Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Giá dầu thấp không phải tin vui cho Đông Nam Á

Thực tế, cùng với sức ép gia tăng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19), việc giá dầu thế giới sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục có thể làm tổn hại đến nguồn thu ngân sách của chính phủ các nước Đông Nam Á, làm dấy lên một làn sóng phá sản và cắt giảm chi tiêu mới trên toàn khu vực.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), những quốc gia sản xuất dầu như Indonesia và Malaysia nhiều khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các công ty hàng hải hỗ trợ các dự án dầu khí của Singapore sẽ bị "bóp chặt" hơn nữa.

Ngành công nghiệp dầu khí vốn không xa lạ với sự biến động. Tuy nhiên, mọi chuyện lần này sẽ khác vì khủng hoảng Covid-19. "Điểm khác biệt lần này là doanh nghiệp không thể hoạt động như thường lệ.

Chúng ta có nguồn dầu dồi dào trên đất liền lẫn trong kho dự trữ nhưng chẳng ai tiêu thụ. Đây sẽ là một vấn đề lớn" - ông Tan Lian Yok, Công ty Luật K&L Gates Straits Law (Singapore), khẳng định.

Giá dầu thấp không phải tin vui cho Đông Nam Á - Ảnh 1.

Người dân lưu thông trên đường phố Jakarta – Indonesia hôm 23-4 Ảnh: REUTERS

Với tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, Đông Nam Á là một khu vực khát năng lượng, đặc biệt là năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu "bốc hơi" vì lệnh phong tỏa, các doanh nghiệp dầu trong khu vực như đang ngồi trên lửa.

Với những quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Brunei, phần lớn nguồn thu ngân sách chính phủ đến từ các dự án dầu khí.

Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế hôm 24-4 chạm mức 22 USD/thùng, giảm 28 USD/thùng so với hồi tháng 3, thời điểm bùng nổ cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Saudi. Tuần này, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô Mỹ bị đẩy xuống mức âm.

Các công ty dầu trong nước lẫn quốc tế đã cắt giảm chi phí vốn. Do đó, Indonesia - nhà sản xuất dầu lớn nhất Đông Nam Á, đã hạ dự đoán nguồn thu ngân sách phi thuế từ ngành dầu khí của chính phủ xuống mức 6,7 tỉ USD, tức giảm hơn 50%.

Trước đó, vào năm 2015 và 2016, Indonesia từng sử dụng trợ cấp nhiên liệu để đẩy mạnh chi tiêu chính phủ nhưng lần này họ khó có thể thực hiện động thái tương tự vì hoạt động tiêu dùng dầu đang bị cản trở. "Lần này, họ gặp vấn đề ở cả

hai phía cung và cầu… Đây là khủng hoảng kép" - ông Melbin Chan, Công ty Luật TSMP (Singapore), nói.

Tuần lễ kém vui

Giá dầu thế giới hôm 24-4 cho thấy sự biến động khó lường giữa lúc có nỗi lo động thái cắt giảm của các nhà sản xuất không theo kịp nhu cầu sụt giảm mạnh do tác động dịch thuật của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới.

Giá dầu thô Brent tại Anh giảm xuống còn 20,60 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên mức 22,70 USD/thùng trong ngày giao dịch. Chịu chung tình cảnh là giá dầu thô WTI tại Mỹ - giảm 5,09% xuống còn 15,66 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên 16,88 USD/thùng.

Theo hãng tin Reuters, giá dầu thế giới đang trên đường có tuần lễ sụt giảm thứ 8 trong 9 tuần gần đây nhất. Cụ thể, giá dầu Brent và WTI lần lượt hướng đến mức giảm 27% và 14% trong tuần này.

Đáng chú ý, ngày đầu tuần ghi nhận cú sốc giá âm của dầu thô WTI trong lúc giá dầu thô Brent xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua.

Ngày càng có nhiều nhà sản xuất dầu thô đẩy nhanh cắt giảm sản lượng khai thác trong nỗ lực vực dậy giá dầu. Continental Resources Inc, nhà sản xuất dầu lớn nhất bang Bắc Dakota - Mỹ đã ngưng hầu hết hoạt động tại bang này và thông báo sẽ không cung cấp dầu thô cho một số khách hàng của mình.

Còn Kuwait, một thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hôm 23-4 cho biết sẽ bắt đầu cắt giảm lượng dầu cung cấp cho các thị trường quốc tế mà không cần chờ thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày của OPEC+ (liên minh giữa OPEC và một số nhà sản xuất khác) được thực thi từ ngày 1-5.

Ở chiều ngược lại, giới phân tích cho rằng nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 khởi phát vào cuối năm ngoái, sẽ gia tăng trong quý II/2020 khi nhà chức trách nới lỏng các biện pháp hạn chế được thực thi để khống chế dịch bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét