Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Kazu Miura: 'Tôi muốn chơi bóng đến hơi thở cuối cùng'

Kazu Miura: 'Tôi muốn chơi bóng đến hơi thở cuối cùng' - VnExpress
×
Thứ bảy, 29/2/2020, 10:18 (GMT+7)

Kazu Miura: 'Tôi muốn chơi bóng đến hơi thở cuối cùng'

Cầu thủ người Nhật Bản Kazu Miura, vừa sang tuổi 53 hôm 26/2, nói về đam về và khát khao chơi bóng khi trả lời phỏng vấn tờ L'Équipe.

Năm 2020, "Vua Kazu" – như cách người Nhật Bản vẫn thường gọi ông, sẽ phá vỡ kỷ lục cầu thủ lớn tuổi nhất từng thi đấu chuyên nghiệp ở J-League và bóng đá thế giới... của chính ông. Ông chính là người đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của nhân vật Tsubasa (hay Olivier Atton trong những phiên bản phương Tây) và đang trải qua mùa giải thứ 35 trong sự nghiệp.

Kazuyoshi Miura sinh ngày 26/2/1967. Ông rời Nhật Bản năm 15 tuổi và đến một ngôi trường bóng đá ở Sao Paulo. Ở miền đất của vũ điệu Samba, người đàn ông ấy chơi gần 100 trận chuyên nghiệp trong những màu áo khác nhau (Palmeiras, Jau, Coritiba và Santos). Ngay từ năm 20 tuổi, Kazu Miura đã là một huyền thoại ở Nhật Bản. Cha đẻ của bộ truyện tranh "Captain Tsubasa" được truyền cảm hứng một phần từ chính hình tượng Kazu Miura để sáng tác nên nhân vật Tsubasa, một tài năng bóng đá cũng từng đến với Brazil. Câu chuyện ấy về sau trở thành ấn phẩm thành công trên bình diện toàn cầu.

Hơn 3 thập kỷ sau, chúng tôi gặp Kazu tại Guam thuộc Mỹ - một hòn đảo quen thuộc và nổi tiếng với các du khách Nhật Bản, cách Tokyo khoảng ba giờ bay, khi ông đang chuẩn bị trước mùa giải. Hai tuần chuẩn bị miệt mài vào tháng 12 và thêm hai tuần nữa vào cuối tháng 1, "Tsubasa" đã sẵn sàng cho một chương mới trong sự nghiệp, mùa giải chuyên nghiệp thứ 35.

Vào tháng 1/2020, ông một lần nữa ký hợp đồng thêm một năm với CLB Yokohama FC. Từng là cầu thủ trẻ đầu tiên trở về quê nhà trong tư cách của một siêu sao vào thập niên 1990, Kazu Miura đã chơi 89 trận cho đội tuyển Nhật Bản và ghi 55 bàn. Số phận đưa ông đến Italy, Croatia và Australia, để rồi giờ đây ngay tại quê hương, Kazu Miura trở thành cầu thủ chuyên nghiệp lớn tuổi nhất thế giới vẫn còn thi đấu.

Ở CLB Yokohama còn có một cầu thủ lớn tuổi khác, Daisuke Matsui, cựu cầu thủ của Le Mans và Saint-Etienne. Ở tuổi 38, Matsui mang tới ánh mắt của một "cầu thủ trẻ" khi nhìn vào thần tượng của mình: "Tôi lại phải cảm ơn anh ấy. Tôi bắt đầu chơi với Kazu năm 19 tuổi, anh ấy đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi cũng đến Guam cùng anh ấy, rồi chứng kiến cách Kazu tập luyện và tôi thực sự bị sốc. Anh ấy vẫn tràn trề một niềm say mê thuần khiết với bóng đá. Anh ấy không khác gì một đứa trẻ...". Và đây là ước mơ của Matsui: "Tôi muốn tặng cho anh ấy một quả penalty để Kazu bước đến và ghi bàn".

Tháng 3/2017, ở tuổi 50, Kazu trở thành cầu thủ chuyên nghiệp lớn tuổi nhất ghi bàn trong lịch sử bóng đá thế giới. Thế còn ở mùa giải này? "Tôi biết mình có thể vẫn tiếp tục ghi bàn", Kazu - người hầu như không bao giờ chấp nhận một cuộc phỏng vấn nào - bảo thế. Phải mất đến hơn một năm để tờ L'Équipe (Pháp) có cơ hội thực hiện cuộc phỏng vấn này với Kazu Miura.

Những khoảnh khắc ấn tượng của King Muira
 
 
Những khoảnh khắc ấn tượng của King Muira

- Kazu, hãy bắt đầu với một câu hỏi hiển nhiên nhất dành cho ông lúc này: Khi nào ông sẽ treo giày?

- Tôi cũng không biết nữa. Tôi nghĩ là tôi sẽ không bao giờ mất đi đam mê bóng đá, thế nên, cơ thể tôi sẽ quyết định. Khi nào tôi kiệt sức, khi nào tôi không còn có thể tập luyện nổi nữa, tôi sẽ treo giày. Ai nấy cũng hỏi tại sao năm nay tôi vẫn chơi bóng, tôi hiểu suy nghĩ của họ chứ, nhưng bản thân tôi thì không bao giờ hỏi mình câu đó cả.

- Trong mùa 2018, ông chỉ chơi 10 trận, và ba trận ở mùa 2019. Ông cũng 53 tuổi rồi, đâu còn thi đấu dễ dàng gì phải không?

- Đúng vậy. Tôi vẫn còn có thể chơi bóng, vì tôi đầu tư công sức cho khâu chuẩn bị và còn vì tôi không gặp phải chấn thương nào nghiêm trọng cả. Tôi biết rõ mình cần phải chuẩn bị ra sao để tiếp tục thi đấu. Tuy nhiên, được vào sân hay không thì còn tuỳ vào lựa chọn của HLV. Dù là một cầu thủ kỳ cựu hay một cầu thủ mới 18 tuổi, tất cả đều phải nghe theo quyết định của HLV.

- Ông có khi nào đặt câu hỏi với HLV về tuổi tác của bản thân?

- Không bao giờ. Tôi biết mình là người lớn tuổi nhất, do đó tôi phải giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc. Mọi người sẽ nhìn vào tôi như một tấm gương. Nhưng thường cứ sau một trận đấu mà tôi không được vào sân, tôi sẽ tự đi tập riêng để giữ bình tĩnh.

- Thường thì những cầu thủ bóng đá sẽ giải nghệ khi họ không còn đủ sức để tập luyện nữa. Ông thì sao?

- Vì tôi đặc biệt mà (cười to). Tôi hiểu rõ thời gian đẹp nhất đời cầu thủ của tôi đã trôi qua, và cũng tôi đã chạm đến cái giới hạn của thể trạng. Nhưng tôi luôn cố gắng cải thiện một chút và một chút nữa. Nói cách khác, đầu óc tôi không có giới hạn.

- Thậm chí ở tuổi 53?

- Bóng đá là môn thể thao tập thể, anh có thể làm được rất nhiều thứ ngay cả khi không còn tốc độ và sức mạnh của tuổi trẻ. Một cặp tiền đạo 51 tuổi và 17 tuổi có khi còn hay hơn một cặp 25 tuổi.

- Một cầu thủ trên 50 tuổi thường gặp những vấn đề nào?

- Đơn giản là cầu thủ ấy có nhiều thứ để lo hơn cho sức khoẻ của bản thân. Ví dụ, một người bình thường ở tuổi 50 tuổi sẽ phải chăm sóc sức khoẻ kỹ hơn, không được phép ăn quá nhiều. Nhưng cá nhân tôi thì phải ăn đủ chất để bù đắp cho phần cân nặng mất đi trong khâu tập luyện, nếu không, làm sao tôi có thể chạy được. Chưa kể ở độ tuổi này, tung ra một cú sút thôi cũng đã là khó khăn hơn rất nhiều.

- Mọi người dường như đều tôn sùng ông, họ gọi ông là "Vua Kazu". Ông cảm thấy như thế nào về việc đó?

- Khi ra đường, tôi thường được gọi là "Vua Kazu". Tôi vẫn hay cảm thấy ngại nếu có ai đó gọi mình như thế. Thật sự đấy! Vì trong mắt tôi, bóng đá chỉ có một vị vua duy nhất thôi, đó là "Vua Pele". Nhưng tôi xem đó là cách mà mọi người muốn dành sự tôn trọng cho mình sau những gì tôi làm 30 năm qua. Dù gì, tôi cũng từng là ngôi sao lớn nhất bóng đá Nhật Bản, trong những năm 1990.

- Thi đấu cho nền bóng đá nước nhà, đó có phải là một trọng trách của ông?

- Trở thành một thần tượng đâu có nghĩa là tất cả với tôi. Tôi vẫn thích mọi người xem tôi là một tấm gương hơn - một tấm gương trên sân lẫn ngoài đời. Năm tôi 25 tuổi, tôi cảm thấy cứ như thể mình là trung tâm của thế giới. Nhưng rồi từ tuổi 30 trở đi, tôi biết rõ nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác, tôi sẽ không thể tiếp tục tồn tại trong bóng đá. Nếu muốn chơi bóng đến năm 52 tuổi, tôi phải hiểu mình chỉ là một thành viên của một tập thể. Tôi cần phải khiêm tốn.

- Ông từng trở thành một tượng đài ở Nhật Bản vì ông thi đấu ở Brazil. Đó có phải là một hành trình tuyệt vời?

- Ngày còn bé, tôi đã luôn mơ đến một ngày được chơi bóng ở Brazil, được rê dắt bóng như Pele. Cha tôi từng là thành viên trong phái đoàn của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản ở World Cup Mexico 1970, ông thực hiện những thước phim với chiếc camera Super 8. Hồi đó tôi mới ba tuổi, nhưng đã được xem những hình ảnh về Brazil của Pele. Những hình ảnh đó khắc ghi vào trí nhớ tôi. Bác tôi lại là một thầy dạy bóng đá, ông dạy tôi cách rê dắt bóng, các động tác kỹ thuật, cũng như kể cho tôi nghe về Pele. Tôi ấp ủ mong ước được khám phá tất cả.

Miura thời khoác áo Genoa.

- Vậy năm 15 tuổi thì ông đã đến đâu ở Brazil?

- Tôi đến đội trẻ của CLB Atletico Juventus ở bang Sao Paulo và ở một nhà trọ chuyên dành cho các cầu thủ trẻ mới lập nghiệp. Ban đầu tôi không nói được ngôn ngữ của họ, vì thế quá trình hoà nhập diễn ra rất khó khăn. Trong mắt người Brazil khi ấy, tôi chỉ là một cậu trai giàu có người Nhật, một khách du lịch muốn học về bóng đá. Họ không xem tôi là một cầu thủ nghiêm túc.

- Thế còn các HLV, họ nghĩ sao?

- Họ không nói gì, nhưng họ cũng không dạy tôi nghiêm túc. Họ chỉ xem tôi như một vị khách và không bao giờ cho tôi cơ hội để thi đấu, ngay cả trong một trận đấu tập. Tôi cảm thấy rất thất vọng. Tôi không có cơ hội để thể hiện mình. Đó là kiểu thái độ điển hình của người Nhật. Tôi mới 16 tuổi, tôi trẻ nhất đội ngày đó, tôi cũng nhỏ con nhất đội, và tôi nhanh chóng nản chí.

- Vậy mà ông vẫn có những bước tiến?

- Tôi có kỹ năng nhưng thiếu sự tin tưởng. Tôi bắt đầu được thi đấu cho một đội bóng là tập hợp những người nhập cư Nhật Bản, ở giải vô địch dành cho các doanh nghiệp. Chúng tôi thi đấu với các đội bóng của những công nhân nhà máy và nhân viên hành chính thành phố. Họ toàn là người lớn cả, và đội chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống ở đó cũng không dễ dàng gì. Toilet thì không có cửa, không có vòi tắm nước nóng vào mùa đông, mùa hè phải tập luyện dưới cái nóng 40 độ C, và cả những chuyến đi xe buýt kéo dài 24 giờ,... Tất cả chúng đã dạy cho tôi tính kiên trì và nỗ lực. Tôi đã chiến thắng được trận chiến tinh thần ấy.

- Ông có nhớ gì về lần đầu gặp Pele?

- Tất nhiên nhớ chứ! Khi đó tôi ở Santos, CLB của Pele (Kazu đến Santos năm 1986, lúc 19 tuổi và thêm một giai đoạn nữa vào năm 1990). Chỉ khoác lên người chiếc áo đấu đó thôi cũng đã là một niềm vinh dự lớn lao. Thế rồi một ngày nọ, khi tôi đang cùng tập luyện ở đội trẻ, Pele bước vào phòng thay đồ. Ông đến để chụp ảnh cho CLB. Pele nhìn thấy tôi, tiến lại gần và nói: "Cậu có biết Kamamoto không? Anh ta là một tiền đạo to lớn?" Tôi quá phấn khích khi Pele nói tốt về một cầu thủ Nhật Bản. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm ấy.

- Ông cũng từng chơi bóng ở châu Âu, đã đến Zagreb, Croatia vào cuối sự nghiệp. Nhưng chúng tôi còn nhớ cả hành trình của ông đến với Genoa, ở Serie A mùa 1994-1995. Có phải ông cũng mơ ước được chơi bóng tại Italy?

- Thời tôi còn ở Brazil, mỗi tuần luôn có một trận Serie A được chiếu trên truyền hình. Tất cả ngôi sao Brazil đều đến đó. Zico, Socrates, Falcao, Careca, Alemao, Dunga,... Và vì thế, tôi cũng mơ ước được đến Italy. Nhưng ngay trận đầu tiên gặp AC Milan, tôi đã chấn thương. Tôi bị gãy xương mũi sau một pha bóng với Franco Baresi và phải ngồi ngoài hai tháng. Cuối cùng, tôi được chơi 21 trong 34 trận của mùa giải. Tuy là cầu thủ Nhật Bản đầu tiên chơi bóng ở Italy, tôi luôn có cảm giác mình đã thất bại vì chỉ ghi được một bàn. Dẫu sao thì đó cũng là bàn thắng vào lưới Sampdoria trong một trận derby, và nó giúp tôi để lại được dấu ấn. Một vài năm trước, khi tôi quá cảnh ở sân bay của thành phố Naples, tôi tìm thấy một mảnh giấy kèm theo lời nhắn trên vali của mình từ một nhân viên sân bay: "Cảm ơn ông vì bàn thắng vào lưới Sampdoria." Tin nổi không?! Thời điểm đó là 20 năm sau khi tôi rời Genoa.

- Thế ông có những liên hệ nào với bóng đá Pháp không?

- Cầu thủ người Pháp khiến tôi ấn tượng nhất là Jean-Pierre Papin. Tôi từng được mời tham gia vào một vài buổi tập của AC Milan và tôi thật sự bị hút hồn bởi kỹ thuật của ông ấy. Papin ở một đẳng cấp khác phần còn lại. Sau này, Papin từng mời tôi đến trận đấu kỷ niệm sinh nhật tuổi 50 của ông ấy ở Marseille, vào ngày 30/5/1999. Tôi góp mặt vào đội ‘Những người bạn của Papin’, cùng với Zidane, Cantona, và được chỉ đạo bởi HLV Aime Jacquet. Tôi rất tự hào vì vinh dự đó.

- Trong màu áo tuyển Nhật Bản, ông cũng từng đối đầu tuyển Pháp.

- Phải, vào năm 1994, chúng tôi thua 1-4 ở Tokyo. Pháp khi ấy là một tập thể khá đẹp. Papin, Cantona, Ginola, Deschamps, Desailly, Blanc. Tôi cũng rất thích Djorkaeff. Tôi bất ngờ khi họ không có vé tham dự World Cup 1994 ở Mỹ. Trong lễ bốc thăm World Cup ở Nga, tôi được mời tham dự với tư cách là một huyền thoại của FIFA cùng với Pele, Maradona, Ronaldinho, Blanc, Desailly, Drogba. Marcel Desailly chúc mừng tôi vì tôi vẫn còn chơi bóng. Tôi có gặp Laurent Blanc ở phòng gym của khách sạn, ông ấy vô cùng bất ngờ khi thấy tôi tập nặng. Chúng tôi cùng nhau kể lại trận đấu nổi tiếng giữa Nhật Bản và Pháp năm 1994. Ông ấy không thể tin rằng sau ngần ấy năm trôi qua, tôi vẫn còn là cầu thủ chuyên nghiệp.

- Tuyển Nhật Bản của ông cũng từng dừng bước ở vòng loại World Cup 1994, như tuyển Pháp ở trận gặp Bulgaria - sau khi Iraq ghi bàn thắng ở phút bù giờ, gỡ hòa. Rồi kỳ World Cup 1998, ông không được gọi vào đội hình. Làm sao ông có thể nuốt trôi được việc chưa bao giờ tham dự World Cup?

- Năm 1994, đó thật sự là một bi kịch quốc gia. Còn năm 1998, đó là sự lựa chọn của HLV Takeshi Okada. Tôi là chân sút tốt nhất ở giai đoạn play-off. Tuy không oán giận Okada, chuyện đó vẫn là một cú sốc tinh thần, vì năm ấy là lần đầu tiên Nhật Bản dự World Cup. Khi đó, tôi cảm thấy mâu thuẫn. Có lúc tôi còn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được nhìn nhận là một cầu thủ chuyên nghiệp nếu không một lần chơi ở World Cup. Tôi cảm thấy mình không có giá trị gì cả. Đó vẫn là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi muốn kết thúc sự nghiệp chơi bóng.

Miura xem việc không được dự World Cup là một trong những niềm đau lớn nhất sự nghiệp. Ảnh: Reuters.

- Vậy điều gì hồi sinh lại con người ông?

- Vì cuộc gặp với Philippe Troussier. Cuối năm 1999, hợp đồng của tôi với CLB Tokyo không được ký tiếp, tôi chẳng còn gì cả. Thế rồi, Troussier, người vừa được bổ nhiệm làm HLV trưởng tuyển Nhật Bản khi đó, gọi tôi trở lại đội tuyển. Ông ấy bấy giờ đang xây dựng một tập thể mới để chuẩn bị cho kỳ World Cup 2002 ở Nhật Bản, với những cầu thủ trẻ. Ông ấy cần hai hay ba lão tướng được nể trọng trong đội hình để làm gương cho các cầu thủ trẻ.

- Vậy là Troussier đã khiến ông bị ấn tượng mạnh?

- Lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện là lúc đang tắm Onsen dưới chân núi Phú Sỹ, trong một đợt tập huấn. Tôi không nói tiếng Anh giỏi lắm, ông ấy cũng vậy, nhưng chúng tôi vẫn hiểu ý nhau. Tôi cảm thấy mình được tôn trọng và với tôi, được tôn trọng là thứ quan trọng với mỗi con người, nó mang đến sức mạnh tinh thần và là một triết lý sống. Trong mắt Troussier, một cầu thủ mà không thể nói chuyện được trước tập thể thì không tài nào thể hiện được mình trên sân cả. Vạn vật đều có liên hệ với nhau. Từ đó, một chương mới mở ra trong sự nghiệp của tôi. Điều đó thôi thúc tôi đến với Croatia, để hồi sinh lại bản thân. Tôi biết rằng mình vẫn dịch vụ biên dịch còn yêu bóng đá lắm, tình yêu bóng đá vẫn mãi sống trong con người tôi, ngay cả khi những ước mơ không thể thành hiện thực.

- Vậy còn nỗi đau World Cup 1998, nó coi như đã đóng lại?

- Không, không bao giờ. Nhưng chúng ta cần phải lật cuộc đời sang một trang mới, phải tiếp tục chơi bóng. Thậm chí, tôi cảm thấy mình ngày càng trưởng thành và hoàn thiện hơn, cả trên sân bóng lẫn ngoài đời. Nhưng như tôi nói rồi, đó vẫn là một vết thương lòng. Mỗi lần xem Nhật Bản thi đấu ở World Cup, như năm 2018 ở Nga, tôi lại càng cảm thấy nhói đau.

- Phần nào đó, ông là nguồn cảm hứng cho nhân vật Olivier Atton trong "Đội trưởng Tsubasa". Tác giả Yoichi Takahashi từng nói thế này: "Cho dù tôi chủ yếu được truyền cảm hứng bởi Kempes và Maradona, nhưng tôi thật sự muốn nhân vật Olivier Atton phải có nhiều điểm tương đồng với Kazu Miura. Vì ông ấy chính là cầu thủ bóng đá người Nhật Bản đầu tiên thi đấu ở Brazil". Ông cảm thấy sao khi mình là nguồn cảm hứng cho một nhân vật huyền thoại như thế?

- Tôi thật sự rất tự hào, nhưng thú thật là tôi chưa bao giờ đọc bộ truyện manga nổi tiếng đó cả, cũng như chưa bao giờ xem tập phim nào trên truyền hình. Khi bộ truyện được xuất bản, tôi vẫn còn đang ở Brazil. Thực tế thì mọi người rất hay nói về tác phẩm đó, nhưng tôi không cảm thấy mình giống với nhân vật Atton nổi tiếng kia. Nhưng OK, tôi hứa, tôi sẽ đọc. Mà tôi cũng biết là ở nước các anh, truyện manga Nhật Bản nổi tiếng lắm.

Miura là hình mẫu ngoài đời thực, là cảm hứng để tác giả Yoichi Takahashi sáng tác nên bộ truyện tranh "Đội trưởng Tsubasa".

- Trong số cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới, không tính đến Pele – vốn là người ông tôn thờ - thì còn ai thật sự truyền cảm hứng cho ông không? Cruyff hay Maradona chẳng hạn?

- Khó nhỉ... Nếu phải chọn thì chắc tôi sẽ chọn Maradona, vì tôi thích cái tính ngông cuồng của ông ấy. Tôi thích phong thái của Maradona, ông ấy nói ra những gì mình thích trước bất kỳ ai. Cruyff thì lại thanh tao, nhã nhặn và đạo mạo. Maradona thì còn là hình ảnh biểu trưng của sự phản kháng trước chủ nghĩa bảo thủ, cá tính hiện đại, chống lại những trật tự vốn có của xã hội.

- Vậy còn Michel Platini?

- Ông ấy hả?! Trông hơi giống như một tay mafia, đúng không nhỉ? Gương mặt ông ấy hơi giống với một gangster. Tính tình ông ấy có lạnh lùng không? Mà kiểu người như vậy phổ biến ở Pháp lắm hả?

- Ở Pháp, Platini và Zidane là những người được nể trọng, họ là những huyền thoại bóng đá. Ngay cả sau khi Zidane húc đầu vào người Materazzi ở chung kết World Cup 2006.

- Cũng hợp lý khi họ được yêu mến. Họ đều từng là những cầu thủ kiệt xuất. Thứ bóng đá của Zidane là siêu lịch lãm, như nghệ thuật vậy và giống với Maradona. Nhưng một huyền thoại khép lại sự nghiệp của mình theo cách đó thì đúng là độc nhất vô nhị!

- Thế ông nhận xét thế nào về Kylian Mbappe? Cậu ấy thậm chí còn đang được so sánh với Pele ở Pháp đấy.

- Cậu ấy rất có tướng tá và lại còn rất trẻ nữa. Nhưng so với Pele thì... Ngày nay, gần như là không thể để một cầu thủ nào đó viết nên sự nghiệp như Pele. Vô địch World Cup tận ba lần, tôi không biết liệu còn có ai làm được không nữa.

- Vậy Neymar?

- Tôi thất vọng với cậu ấy lắm. Cậu ấy chỉ cố bị phạm lỗi hơn là cố chơi bóng.

- Thôi quay trở lại về ông. Ông hình dung thế nào vào ngày mình giải nghệ?

- Có lẽ là tôi sẽ không tuyên bố giải nghệ. Tôi muốn cứ thế kết thúc một buổi tập, chạy trên sân, tự mình cảm nhận rằng: Thế là hết. Tôi không tưởng tượng ra nổi cảnh mình nói lời giã biệt trước 50.000 người ở một SVĐ, dù tôi biết người hâm mộ sẽ muốn nói điều gì đó với tôi.

Miura đang cùng Yokohama FC chuẩn bị cho mùa giải 2020.

- Vậy khi nào ông sẽ làm điều đó?

- Tôi không nghĩ về điểm dừng. Tôi nói thật! Dù tôi biết thi đấu thêm năm năm nữa sẽ rất khó, có thể là hai hay ba năm... Nhưng tôi không nghĩ về ngày đó. Tôi chưa có ý định giải nghệ. Trở thành một HLV, một vị chủ tịch CLB, một giám đốc điều hành, hay một chuyên gia bình luận trên truyền hình... tất cả chẳng thú vị gì với tôi. Tôi chỉ muốn là một "jogador" (Kazu nói bằng tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là "cầu thủ"). Trong tiếng Pháp, "jogador" nói sao nhỉ?

- Joueur.

- OK. Tôi muốn là một "joueur" (Kazu nói bằng tiếng Pháp, nghĩa là "cầu thủ"). Đó là ước muốn duy nhất của tôi. Nếu có thể thì đến khi nào trút hơi thở cuối cùng mới thôi. Khi tôi chết, tôi không muốn người ta thông báo rằng "cựu cầu thủ Kazu Miura đã qua đời", mà tôi muốn họ nói rằng "cầu thủ Kazu Miura đã qua đời".

Hoàng Thông dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét